Sau gần 2 tuần không có ca nhiễm Covid-19 mới, thị trường bất động sản (BĐS) 3 miền bắt đầu thoát khỏi trạng thái “ngủ đông”.
Sau 9 tháng chịu tác động của đại dịch Covid-19, thị trường BĐS đã bắt đầu "tỉnh giấc", thoát khỏi trạng thái “ngủ đông”. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương được đánh giá đang có những dấu hiệu trỗi dậy mạnh nhất.
Thị trường BĐS Hà Nội: Lạc quan với phân khúc Shophouse, biệt thự
Về bản chất, đại dịch Covid-19 chỉ khiến khối lượng giao dịch giảm chứ không làm giảm giá trị của BĐS.
Thực tế, thị trường BĐS Hà Nội vẫn đang ở trong tình trạng cầu vượt cung. Tình trạng này đã dẫn đến hiện tượng dù ít giao dịch, song giá BĐS vẫn tăng ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Cụ thể, theo báo cáo của Savills Việt Nam, tại Hà Nội, giá sơ cấp trung bình của biệt thự là 4.764 USD/m2 (tương đương hơn 110 triệu đồng/m2), tăng tới 19% theo quý.
Giá trung bình liền kề đạt 4.458 USD/m2 (tương đương hơn 100 triệu đồng/m2), tăng 9% theo quý và shophouse khoảng 7.306 USD/m2 (tương đương gần 170 triệu đồng/m2), tăng 18% theo quý.
Trong khi đó, giá trung bình thứ cấp toàn thị trường tăng nhẹ hơn. Cụ thể theo số liệu Savills, tăng 1,1% theo quý cho biệt thự, tăng 0,5% theo quý cho liền kề và 0,1% theo quý cho shophouse. Thậm chí, ở các dự án xa trung tâm, phân khúc biệt thự, liền kề, shophouse cũng đã tăng 30% trong vòng chưa đầy 1 năm qua.
Đánh giá triển vọng cả phân khúc shophouse, biệt thự tại thị trường Hà Nội, ông An Tiến Hưng, chuyên gia BĐS nhận định: “Cho tới nay, sau hơn 10 năm xuất hiện trên thị trường, phân khúc này vẫn chưa thực sự bứt phá như nhiều người kỳ vọng”.
Theo ông Hưng, nguyên nhân chính khiến mặt bằng shophouse, biệt thự tăng giá chính là nhờ nguồn cung khan hiếm. Đặc biệt, các dự án ở trung tâm thành phố càng ngày càng hiếm do quỹ đất hạn chế.
“Chính vì lý do này, hiện nay, nhà đầu tư đang có xu hướng rót vốn vào các shophouse, biệt thự ở khu vực ven đô, ngoại thành, nổi bật nhất là các dự án ở khu Đông và Đông Nam Hà Nội”, ông Hưng nói thêm.
Sau 9 tháng chịu tác động của đại dịch Covid-19, thị trường BĐS đã bắt đầu nhận về những tín hiệu tích cực. Trong ảnh là Khu đô thị xanh Ecopark.
Thị trường BĐS TP.HCM: Hưởng lợi từ đề án xây dựng Thành phố phía Đông
Ngay trong tháng 8/2020, thị trường BĐS TP.HCM liên tục đón nhận thông tin tích cực, khiến thị trường khởi sắc.
Cụ thể, ngày 17/8, Chính phủ đã đồng ý thành lập Thành phố Thủ Đức, trực thuộc TP.HCM, theo định hướng khu đô thị sáng tạo.
Trước đó, vào ngày 10/8, Sở Xây dựng TP.HCM đã công bố 10 dự án BĐS đủ điều kiện huy động vốn, đa phần nằm ở khu Đông và TP.HCM. Đồng thời, Sở cũng công bố sẽ hoàn thành việc xây dựng gần 5.000 căn hộ nhà ở xã hội cho tới cuối năm 2020.
Thành phố Thủ Đức được thành lập giúp thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh sôi động trở lại. ảnh: Phạm Nguyễn
Theo ông Võ Hồng Thắng, trưởng bộ phận R&B của DKRA Việt Nam cho rằng, việc Chính phủ chấp nhận đề án xây dựng Thành phố Thủ Đức (hay còn gọi là Thành phố phía Đông) trực thuộc TP.HCM có ý nghĩa chiến lược đối với thị trường toàn thành phố.
Thực tế cho thấy, trong cả năm 2020, dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, thế nhưng, khu Đông TP.HCM vẫn đón nhận nhiều nguồn cung mới, với tỷ lệ áp đảo so với các khu vực khác.
Cụ thể, trong tháng 8/2020, toàn TP.HCM có tất cả 5 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 2,088 căn hộ. Riêng khu Đông đã chiếm gần 90% nguồn cung mới với khoảng 1,870 căn mở bán. Khu Nam chiếm tỷ trọng khoảng 10% với khoảng 218 căn hộ.
Tương tự, phân khúc nhà phố và biệt thự trong tháng 8 có 240 sản phẩm được mở bán. Trong đó, 43% tổng nguồn cung mới đến từ khu Đông;...
“Với sự đồng ý của Chính phủ, trong thời gian tới, khu Đông hay Thành phố phía Đông sẽ trở thành “điểm sáng” của thị trường BĐS TP.HCM”, ông Thắng nói.
Thị trường BĐS Đà Nẵng: Cơ hội lớn để “bắt đáy” thị trường
Không có nhiều tín hiệu hồi phục mạnh như Hà Nội và TP.HCM, song nhiều chuyên gia BĐS nhận định, lợi thế của thị trường BĐS Đà Nẵng nằm ở giá trị đang chạm “đáy”.
Theo khảo sát của PV báo Dân trí, trong 3 tháng qua, đất nền ven biển Đà Nẵng đã giảm tới 25 - 35%, thậm chí có nơi giảm 40 - 45% so với thời điểm đạt đỉnh vào đầu năm 2019.
Cụ thể, tại khu đô thị Phước Lý (Cẩm Lệ) đã giảm từ 3,5 tỷ đồng/lô, xuống còn 2,2 tỷ đồng/lô (tương đương 37%).
Thậm chí, nếu khách hàng có nhu cầu mua nhanh, giá đất có thể giảm xuống 2 tỷ đồng. Tương tự, tại khu vực đất nền “hot” nhất vào đầu năm 2019 là Hòa Xuân (Cẩm Lệ) cũng đã giảm từ 40 triệu đồng/m2, xuống còn 25 - 27 triệu đồng/m2.
Còn theo báo cáo của DKRA, trong 7 tháng đầu năm 2020, thị trường BĐS nhà ở Đà Nẵng chứng kiến sự sụt giảm mạnh ở hầu hết các phân khúc do tác động của dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong giai đoạn từ 2017, tới đầu năm 2019, giá đất nền Đà Nẵng đã tăng chóng mặt và đã tạo ra một cơn sốt “ảo” tại thành phố du lịch này.
Thế nhưng, thời điểm cuối năm 2019 sau sự cố đổ vỡ Cocobay, kết hợp với đại dịch Covid-19 vào năm 2020, đất nền Đà Nẵng đã “xì hơi” và trở về giá trị thật.
Ông Đính nhận định, hiện nay đang thời điểm “vàng” để nhà đầu tư “bắt đáy” thị trường. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ dành cho nhà đầu tư có nguồn vốn tự có.
Trong khi đó, đại diện của DKRA Việt Nam cho rằng, thị trường Đà Nẵng vẫn tiếp tục khan hiếm nguồn cung ở hầu hết các phân khúc. Sức mua chung của toàn thị trường tiếp tục xu hướng giảm từ giữa cuối năm 2019.
Đối với phân khúc nhà phố và biệt thự, mặt bằng giá sẽ duy trì xu hướng đi ngang và không có nhiều biến động so với đầu năm. Trong khi, phân khúc đất nền, giá bán có thể tiếp tục xu hướng giảm đến hết năm 2020.
Theo Dân trí.