Với sự xuất hiện của hàng loạt các dự án bất động sản “khủng” chạy dọc hai bên, trục đường Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài) đang dần hình thành nên bức tranh kinh tế mới ở phía Tây thành phố.
Xoay chuyển cục diện trên tuyến đường huyết mạch
Đi vào hoạt động 6 năm, đường Tố Hữu được xem là tuyến đường huyết mạch kiểu mẫu cho trục giao thông phía Tây Nam Hà Nội. Những năm 2013 trở về trước, trục đường Tố Hữu gần như gắn liền cùng thương hiệu Nam Cường. Nhưng những năm gần đây, tuyến đường này đã có rất nhiều thay đổi bởi sự xuất hiện hàng loạt các dự án bất động sản quy mô đến từ các nhà đầu tư lớn.
Có thể kể đến các tòa nhà đã đi vào hoạt động như The Light, chung cư Bắc Hà, C14, khu đô thị Văn Khê, The Pride… và rất nhiều các dự án đang được triển khai như: Ecolife Capitol, Roman Plaza, Shophouse 24h, Hanoi Landmark 51, Goldsilk Complex, Usilk City, Anland Complex…
Dự án Nhà phố thương mại 24h với tổng diện tích 7.100m2 nằm dọc hai bên mặt đường Tố Hữu
Có một điểm đặc biệt rất dễ thấy trên tuyến đường này với chiều dài hơn 3km thì đã có tới 4 dự án của Tập đoàn Hải Phát tọa lạc tại những vị trí mặt tiền đẹp nhất trên trục đường, đó là Tổ hợp The Pride và tòa HP Landmark Tower; cao ốc HPC Landmark 105 – Usilk City và nhiều thông tin cho rằng, tới đây, Hải Phát sẽ hợp tác cùng với Sông Đà Thăng Long tiếp tục đầu tư phát triển toàn bộ dự án Usilk City với 13 tòa nhà trải dài gần 1km; khu Nhà phố Thương mại 24h Vạn Phúc nằm dọc hai bên mặt đường; Tổ hợp TMDV và Căn hộ cao cấp Roman Plaza ngay tại ngã ba Tố Hữu - Mỗ Lao.
Việc triển khai hàng loạt các dự án trong thời gian gần đây đã giúp Hải Phát dần xoay chuyển cục diện trở thành doanh nghiệp bất động sản sở hữu nhiều dự án lớn nhất trên trục đường Tố Hữu.
Tìm hiểu sâu hơn, phóng viên được biết tất cả các dự án trên đều được Hải Phát chú trọng nghiên cứu và đầu tư nhằm phát huy tối đa thế mạnh về vị trí các dự án và năng lực của một nhà phát triển bất động sản đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Dự kiến khi hoàn thiện, các dự án của Hải Phát sẽ được kết nối đồng bộ với nhau tạo thành một hệ thống dịch vụ tiện ích và kinh doanh hiện đại nhất trên trục đường huyết mạch Tố Hữu.
Từ tầm nhìn quy hoạch
Phân tích sâu hơn bản đồ dự án của Tập đoàn Hải Phát trên trục đường Tố Hữu sẽ thấy đây là một chiến lược dài hạn thể hiện tầm nhìn sâu rộng của chủ đầu tư.
Bởi căn cứ vào quy hoạch đô thị của thành phố Hà Nội đến năm 2030, Hà Nội chú trọng mở rộng hạ tầng về phía Tây dọc theo các trục hướng tâm như Tố Hữu, Nguyễn Trãi, Đại lộ Thăng Long để tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn. Trong đó phải kể đến một số tuyến đường như: quy hoạch mở rộng đường 70, đường vành đai 3.5 (Lê Trọng Tấn kéo dài) nối với Nguyễn Xiển, Tôn Thất Tùng; đường Ngô Thì Nhậm kéo dài chạy qua khu đô thị Văn Khê, Dương Nội nối với đường Lê Quang Đạo (Mỹ Đình); đường 50m từ khu đô thị Mỗ Lao đấu nối với đường Lê Quang Đạo. Vừa qua, tuyến xe buýt nhanh BRT đã chính thức hoạt động, tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh chuẩn bị chạy thử vào cuối năm 2017…
Bản đồ các tuyến đường quy hoạch kết nối với trục đường Tố Hữu
Khi hệ thống giao thông này được xây dựng hoàn chỉnh và khớp nối vào tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu thì các dự án bất động sản nằm dọc trên trục đường này sẽ “hưởng lợi” lớn khi được kết nối đồng bộ với trung tâm thành phố. Thực tế cho thấy, năm 2016 vừa qua, Hà Đông và Nam Từ Liêm là khu vực dẫn đầu về lượng giao dịch trên thị trường, đặc biệt phân khúc đất nền của khu vực này luôn là tâm điểm nóng được đông đảo các nhà đầu tư lựa chọn.
Sự phát triển nhanh các dự án bất động sản thời gian gần đây đã khiến cho trục đường Tố Hữu thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Nhưng theo các đơn vị quản lý, tình trạng này sẽ được giải quyết khi các tuyến đường quy hoạch kết nối trực tiếp với đường Tố Hữu hoàn thành và Hà Nội có sự điều chỉnh tốc độ phát triển các dự án cho phù hợp với phát triển hạ tầng giao thông.
Tháng 11/2016 vừa qua, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã chính thức công bố và bàn giao hồ sơ quy hoạch hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (Tố Hữu). Theo đó, đường Tố Hữu thuộc khu vực được khuyến khích xây dựng các tòa nhà cao từ 15 – 45 tầng, các khối đế thương mại, dịch vụ cao từ 3 – 7 tầng. Đây cũng là khu vực có ưu thế về cảnh quan, tận dụng các không gian mở (sông – hồ, mặt nước công viên cây xanh…) và vị trí giao điểm của các tuyến giao thông.
Cũng nằm trong quy hoạch, dòng sông Nhuệ chảy qua vùng đất Đại Mỗ, La Khê, Vạn Phúc (Hà Đông) đã được Hà Nội phê duyệt quy hoạch vành đai xanh. Trong tương lai, vành đai xanh sông Nhuệ sẽ là vùng không gian sinh thái chuyển tiếp giữa khu vực nội đô và các vùng đô thị phát triển mở rộng về phía Tây.
Việc các doanh nghiệp bất động sản như Tập đoàn Hải Phát đẩy mạnh phát triển các dự án bất động sản trên trục đường này đã thể hiện được tầm nhìn dài hạn về quy hoạch, như tổng thống Mỹ Donald Trump từng chia sẻ: Đầu tư bất động sản là tầm nhìn, không nên chỉ nhìn 1 dự án bằng các điều kiện trước mắt mà phải nhìn tổng thể trong tương lai.