“Nếu dự thảo Thông tư 25 được thông qua sẽ tạo nút thắt lớn cho việc xây dựng dự án nhà ở xã hội”

Hải Phát Land | 20/09/2021

"Việc bỏ quy định cho vay ưu đãi với người mua, thuê nhà ở xã hội tại các ngân hàng thương mại sẽ làm cho người dân có thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận hay sở hữu được nhà ở hơn", theo ông Đinh Thế Quỳnh, Phó tổng giám đốc Hải Phát Land,

“Nếu dự thảo Thông tư 25 được thông qua sẽ tạo nút thắt lớn cho việc xây dựng dự án nhà ở xã hội”

Ông Đinh Thế Quỳnh, Phó tổng giám đốc Hải Phát Land.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 09 tháng 12 năm 2015 của NHNN hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Trong đó, một điểm đáng chú ý là dự thảo lần này đã loại trừ đối tượng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở.

“Nếu dự thảo Thông tư 25 được thông qua sẽ tiếp tục tạo thành nút thắt lớn từ kênh tiếp cận nguồn vốn triển khai dự án cuả các chủ đầu tư bị thu hẹp đến tâm lý người mua nhà, điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội”, ông Đinh Thế Quỳnh, Phó tổng giám đốc Hải Phát Land trao đổi với BizLIVE.

Ngân hàng nhà nước đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 25, trong đó bỏ quy định cho vay ưu đãi với người mua, thuê nhà ở xã hội tại các ngân hàng thương mại. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Theo tôi, đề xuất này có tác động đến việc thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở. Việc bỏ quy định cho vay ưu đãi với người mua, thuê nhà ở xã hội tại các ngân hàng thương mại sẽ làm cho người dân có thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận hay sở hữu được nhà ở hơn, nhất là ở các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội do kênh tiếp cận nguồn vốn qua các ngân hàng bị thu hẹp trong khi nhu cầu về nhà ở cho phân khúc này là rất lớn.

Đó là phần ảnh hưởng đến người mua nhà, còn dưới góc độ chủ đầu tư như các ông thì sao?

Đối với các chủ đầu tư xây dựng dự án: trước bối cảnh nhiều chủ đầu tư không “mặn mà” với phân khúc có lợi nhuận thấp, chính sách ưu đãi không nhiều như nhà ở xã hội, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/04/2021 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Điều 9 Nghị định số 100/2021/NĐ-CP theo hướng khuyến khích chủ đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với các quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, được hỗ trợ đấu nối hạ tầng kỹ thuật nếu hoàn thành dự án trong 12 tháng...

Chính điều này đã góp phần thúc đẩy tạo nguồn vốn ưu đãi cho chủ đầu tư, đẩy nhanh thủ tục giải ngân cho vay nhà ở xã hội, cũng là thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội trước bối cảnh cung thấp hơn cầu. 

Tuy nhiên, nếu dự thảo Thông tư 25 được thông qua sẽ tiếp tục tạo thành nút thắt lớn từ kênh tiếp cận nguồn vốn triển khai dự án cuả các chủ đầu tư bị thu hẹp đến tâm lý người mua nhà, điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Theo Phó tổng giám đốc Hải Phát Land, thời gian qua có ít dự án nhà ở xã hội được phê duyệt không chỉ do ảnh hưởng dịch Covid-19 mà còn do thể chế pháp luật chồng chéo. 

Theo báo cáo của Bộ xây dựng, trong quý 2 vừa qua, cả nước chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội được phê duyệt. Theo ông, vì sao thời gian qua lại có ít dự án nhà ở xã hội được phê duyệt như vậy?

Theo tôi, thời gian qua có ít dự án nhà ở xã hội được phê duyệt không chỉ do ảnh hưởng dịch Covid-19 mà còn do thể chế pháp luật chồng chéo. Chính sách phát triển nhà ở xã hội đang có nhiều vướng mắc. 

Ở góc nhìn doanh nghiệp, tôi nhận thấy nhiều chủ đầu tư đã không còn mặn mà với phân khúc này. 

Thực tế, quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội không khác nhà ở thương mại là bao, trong khi giá bán và lợi nhuận mang về lại thấp.

Tuy được nhận ưu đãi thuế đất khi đầu tư nhà ở xã hội nhưng lại bị khống chế về giá, lợi nhuận, trong khi giá vật liệu xây dựng, nhân công,… không giảm.

Cùng với đó, lãi suất vay vốn cao, lợi nhuận do bị khống chế giá bán, thời gian thu hồi vốn chậm do quy định để lại 20% quỹ nhà dành cho thuê trong 5 năm. 

Thực tế, chủ đầu tư nào cũng muốn dự án quyết toán nhanh. Tuy nhiên, quy định như vậy khiến các chủ đầu tư bị đọng vốn nhiều. Về vốn trung hạn, các ngân hàng cũng không muốn hỗ trợ lãi suất các dự án như vậy…

Vậy ông đánh giá thế nào về các chính sách ưu đãi dành cho việc xây nhà ở xã hội hiện nay?

Dù nhà nước đã có những sửa đổi, điều chỉnh bổ sung nhằm giúp các doanh nghiệp dễ dàng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, điều đó là chưa đủ hấp dẫn, chưa đủ thông thoáng. 

Nhiều chính sách phát triển nhà ở xã hội đang còn vướng mắc, nhất là vấn đề thủ tục, quỹ đất hay việc phân bổ quy hoạch. Hơn nữa, các quy định lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng chưa thật sự rõ ràng.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông có kiến nghị gì để việc phát triển nhà ở xã hội được nhiều hơn?

Theo tôi, để phân khúc này được phát triển, cần xem xét lại các quy định pháp luật khi thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội, rút gọn các thủ tục hành chính và thời gian phê duyệt dự án. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo Báo Nhịp sống doanh nghiệp