Cuối năm, đầu tư phân khúc bất động sản nào sẽ sinh lợi?

Hải Phát Land | 18/11/2020

Giới chuyên gia cho rằng, từ nay cho đến cuối năm chính là “thời điểm vàng” cho thị trường BĐS tăng trưởng và bứt tốc nhất là phân khúc đất nền và căn hộ bình dân dưới 2 tỷ đồng.

Sau gần 1 năm chịu tác động từ đại dịch Covid-19, thị trường BĐS Việt Nam đã bắt đầu hồi phục.

Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) khẳng định, lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp kỷ lục, yếu tố này sẽ là động lực chính để nhà đầu tư trở lại thị trường.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (HoREA) dự báo, thị trường BĐS cuối năm đang có lực đẩy từ nhiều chính sách mới.

Cụ thể, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021;... Đồng thời, Chính phủ đang xem xét sửa đổi thi hành Luật Đất đai, để tháo gỡ được nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Theo các chuyên gia BĐS cuối năm đang có lực đẩy tốt, dự báo đang bắt đầu hồi phục sau những cú sốc của dịch bệnh. 

Riêng với thị trường TP.HCM, việc Chính phủ đồng ý Đề án thành lập thành phố Thủ Đức, trực thuộc TP.HCM cũng sẽ là một động lực lớn giúp thị trường BĐS các tỉnh/thành phố phía Nam bứt phá.

Nhìn nhận từ thị trường, ông Trần Trung Đức, chuyên gia BĐS cho rằng, đất nền, căn hộ bình dân dưới 2 tỷ đồng vẫn là sản phẩm chủ lực, thúc đẩy thị trường tăng trưởng vào cuối năm 2021.

Ông Đức dự báo, do thiếu nguồn cung trên diện rộng, giá căn hộ bình dân vẫn sẽ tăng từ 3 - 5% ở thị trường Hà Nội. Riêng TP.HCM, do nguồn cung đang ở mức suy kiệt, nên mức tăng có thể đạt 5 - 8%, thậm chí là 10% ở một số dự án.

Đối với phân khúc đất nền, các khu vực vùng ven Hà Nội (Hà Đông, Gia Lâm, Long Biên, Thanh Trì), TP.HCM (quận 2, quận 9 và Thủ Đức) và một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hòa Bình, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An đang bứt tốc rất nhanh. Ngay trong năm 2020, phân khúc đất nền tại các địa phương này đã tăng từ 3 - 10%, so với thời điểm cuối năm 2019.

Đặc biệt, đất nền tại huyện Long Thành (Đồng Nai) đang tăng chóng mặt, có nơi tăng đến 15 - 20% so với cuối năm 2020.

Ông Đức dự báo, từ nay cho tới Tết Nguyên đán 2021, đất nền cả nước sẽ tăng bình quân khoảng 3 - 5%. Riêng các tỉnh thành nêu trên, mức tăng có thể đạt trên 10%.

“Về bức tranh tổng thể, hiện nay, nhà đầu tư trong nước vẫn đang có tâm lý dè chừng với đại dịch Covid-19, bằng việc giữ tiền và nghe ngóng thị trường vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, trên quan điểm cá nhân, đây chính là “thời điểm vàng” để đầu tư, nhất là phân khúc đất nền và căn hộ bình dân. Bởi, cho dù đại dịch vẫn tiếp diễn, 2 phân khúc này vẫn tăng giá đều”, ông Đức nói.

Theo các chuyên gia BĐS cuối năm đang có lực đẩy tốt, dự báo đang bắt đầu hồi phục sau những cú sốc của dịch bệnh. 

Trái ngược với sự hồi phục của đất nền và căn hộ bình dân, phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vẫn duy trì nhịp trầm vào cuối năm nay.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong quý III/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn giảm mạnh (giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019) do chưa mở cửa du lịch quốc tế, đường bay thương mại quốc tế cũng hạn chế chỉ mở với một số khu vực đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Ngành du lịch đã có dấu hiệu phục hồi vào cuối quý II và đầu quý III khi Chính phủ thực hiện kích cầu du lịch trong nước, lượng khách du lịch nội địa trong tháng 6, 7 tăng cao trở lại.

Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 lần 2 đã tiếp tục tạo thêm cú sốc bất lợi mới cho phân khúc khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng.

Công suất thuê phòng khách sạn bình quân toàn thị trường trong quý III tăng nhẹ so với quý trước tuy nhiên lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 do lượng khách du lịch, đặc biệt là lượng khách du lịch quốc tế giảm mạnh.

Giá cho thuê phòng bình quân toàn thị trường vẫn có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, trong dịp cuối năm, Việt Nam vẫn tiếp tục vắng bóng du khách quốc tế. Trong khi đó, sự gia tăng của khách du lịch nội địa chỉ giúp các cơ sở lưu trú bình dân hồi phục, trong khi BĐS du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn 4, 5 sao vẫn tiếp tục xu hướng “ngủ đông”.

Theo Báo Xây dựng.