Bất động sản trước tình thế “nội công, ngoại kích”

Hải Phát Land | 04/08/2020

Khó khăn và trục trặc của thị trường bất động sản đã có từ trước, nay dồn thêm yếu tố ngoại kích bởi Covid-19.

Sau những tháng đầu năm thấm đòn của đại dịch Covid-19, từ tháng 5 đã được xem là cột mốc tái khởi động của ngành bất động sản khi cả nước kiểm soát tốt dịch bệnh và các hoạt động mua bán hồi phục tích cực bởi hàng loạt các giải pháp kích cầu.

Nhưng, những ngày gần đây, dịch Covid-19 quay trở lại khiến các lĩnh vực ngành nghề đều phải đang nín thở, thận trọng trước những thách thức mới có thể ập đến, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Đứng trước những biến cố, những thử thách khó lường hiện nay, lĩnh vực bất động sản sẽ chuyển động như thế nào, ứng xử ra sao để thích nghi, vượt qua và chớp cơ hội?

Nhịp sống doanh nghiệp BizLIVE tổ chức tọa đàm trực tuyến “Bất động sản trong vòng xoáy bất định: Xoay chuyển và thích nghi”, với sự tham gia của chuyên gia và các doanh nghiệp - là những người trong cuộc cùng thảo luận, chia sẻ với nhau, đưa ra những nhận định trong giai đoạn tới, mở rộng và minh bạch thông tin, giúp thị trường nói chung, các chủ đầu tư, nhà đầu tư lựa chọn những giải pháp phù hợp và an toàn nhất trước bối cảnh bất định này.

Tham dự Tọa đàm có:

- TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia Kinh tế

- TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng

- Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

- Ông Đinh Thế Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Hải Phát Land

- Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Tập đoàn Đại Phúc Land

- Ông Trương Hữu Quang, Phó Tổng giám đốc Tuấn Minh Group

- Ông Ngô Quang Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bất động sản Saigontimes, Tổng giám đốc Phú Đông Group

PHÍA TRƯỚC, RỦI RO RẤT LỚN…

Phát biểu mở đầu tọa đàm, TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia Kinh tế cho rằng, tình hình hiện nay rất phức tạp, nhìn về phía trước rủi ro rất lớn, trong đó đại dịch Covid-19 đã và có tác động rất lớn đến tất cả các lĩnh vực.

Tọa đàm hôm nay, bàn về lĩnh vực bất động sản - lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống người dân, đồng thời cũng có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy các lĩnh vực khác vượt qua khó khăn, phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Theo TS. Võ Trí Thành, khó khăn của thị trường bất động sản Việt Nam xuất hiện từ năm 2019, ngay từ khi chưa có đại dịch. Do đó, tọa đàm hôm nay các diễn giả và khách mời sẽ cùng thảo luận về để cùng nhận diện được hết những khó khăn, giải pháp phát triển thị trường bất động sản. Các thảo luận có tính thị trường để xem bất động sản cùng các kênh khác có tiềm năng, khó khăn gì để phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Tọa đàm sẽ tập trung vào ba chủ đề:

Chủ đề 1: Nhận diện thị trường bất động sản

Chủ đề 2: Giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản

Chủ đề 3: Lựa chọn cho nhà đầu tư, sử dụng tiền đầu tư thế nào thích hợp nhất

PHÉP THỬ ĐỂ DOANH NGHIỆP BĐS NHÌN NHẬN LẠI MÌNH

Ông Võ Trí Thành đặt vấn đề: Ông Lực đã cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về thị trường BĐS, bức tranh thị trường bị tác động bởi Covid-19 cũng khá rõ. Đặc biệt, điều ông cũng nhấn mạnh chính là cơ hội cho thị trường trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù nhà đầu tư, người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn, tính toán hơn trong việc xuống tiền nhưng nếu cung hợp lý thì lực cầu cũng vẫn rất tốt.

Đi sâu hơn, từ góc độ doanh nghiệp, chúng tôi muốn biết doanh nghiệp trong năm 2019, 2020 đang gặp những khó khăn, thuận lợi như thế nào, đặc biệt là do ảnh hưởng của Covid-19?

Trước câu hỏi trên, ông Trương Hữu Quang, Phó Tổng giám đốc Tuấn Minh Group nhìn lại: Giai đoạn 2017-2018 là những năm phát triển rực rỡ nhất của các doanh nghiệp môi giới bất động sản. Cuối năm 2018, chúng tôi đã có những đánh giá về thị trường, năm 2019 đã có sự chuẩn bị, nhưng sang năm đầu năm 2020, Covid-19 đã có những tác động bất ngờ. Theo đó, có những thời điểm doanh thu sụt giảm tới 70-80%.

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng giai đoạn khó khăn này là giai đoạn phép thử cho doanh nghiệp bất động sản nói chung, nhất là các doanh nghiệp mới và Tuấn Minh Group nói riêng. Đây sẽ là bước đệm để các doanh nghiệp nhìn nhận lại mình và trong một vài năm tới sẽ đón đầu xu hướng đi lên của thị trường.

"Hiện tại, doanh nghiệp chúng tôi vẫn duy trì hoạt động kinh doanh rất tốt, chúng tôi cũng có kế hoạch rõ ràng cho 6 tháng cuối năm và giai đoạn tiếp theo. Và mặc dù ảnh hưởng của Covid-19 nhưng nhân lực của chúng tôi không giảm nhiều, bởi nhân lực chuyển sang hoạt động online và lương cũng không bị giảm", ông Quang cho biết.

KỲ VỌNG TĂNG TỐC TỪ QUÝ III ĐỂ VỀ ĐÍCH

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Tập đoàn Đại Phúc Land cho biết, ảnh hưởng của Covid-19 đã làm doanh số quý I của Công ty giảm 50%, quý II có sự phục hồi nhưng chưa cao, lượng lao động không giảm.

Bà Hương cho biết, cuối năm nay, Tập đoàn Đại Phúc dự kiến đưa ra sản phẩm căn hộ với giá trị phù hợp với thu nhập của khách hàng.

“Dù dịch bệnh nhưng chúng tôi vẫn duy trì hoạt động đầu tư phát triển dự án, có kịch bản điều chỉnh trong tình huống mới khi xảy ra. Hiện chúng tôi đầu tư phát triển một đại đô thị tại khu đông bắc TP.HCM, hướng tới nhu cầu nhà ở là chính. Khách hàng có 50% mua sản phẩm của dự án là để ở, đầu tư mang tính dài hạn. Bước đầu nhận thấy quan tâm của khách hàng chiếm 50-70% hồi phục so trước đại dịch, tâm lý khách hàng có phần cân nhắc thận trọng”, bà Hương cho biết.

Ông Đinh Thế Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Hải Phát Land cho biết, ông rất quan tâm đến tính thời điểm của thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản Việt Nam so với thế giới vẫn còn khá non trẻ nên chưa theo kịp xu hướng của thế giới. Đôi khi có những thời điểm mà cung không gặp được cầu, chẳng hạn lượng cầu lớn thì cung không đủ hoặc ngược lại.

Đặc biệt đầu năm 2020 lượng cung có sự phục hồi nhất định, nhưng lại gặp biến cố Covid-19. Hoạt động kinh doanh của Hải Phát Land cũng gặp khó khăn, khi sụt giảm đến 70% lượng giao dịch. Tuy nhiên, sang quý II, khi kết thúc giãn cách xã hội, lượng giao dịch lại tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Quỳnh, đầu năm 2020 lượng cầu lớn nhưng khó tiếp cận các chủ đầu tư do ảnh hưởng của dịch. Sang quý II, doanh nghiệp bắt nhịp được và có sự thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng.

Theo nhận định của ông Quỳnh, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng tốc trong quý III để về đích cuối năm. Những năm gần đây tháng ngâu không ảnh hưởng nhiều, các chủ đầu tư và đơn vị môi giới cũng tung ra các chương trình để đánh vào tâm lý khách hàng.

Chốt lại vấn đề, TS. Võ Trí Thành cho rằng, dù gặp khó khăn từ cuối năm 2019, sang đầu năm 2020 nhưng doanh nghiệp bất động sản đã có sự chuẩn bị để vượt qua khó khăn ít nhất là giai đoạn này. Doanh số của các doanh nghiệp có lúc giảm tới 70-80% nhưng lượng lao động của doanh nghiệp vẫn không bị giảm nhiều.

CÓ NÊN CHỜ GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN XUỐNG?

Có độc giả gửi câu hỏi: “Nhiều người bảo chờ thêm nửa năm nữa thì bất động sản sẽ xuống giá hơn bây giờ, vậy tôi có nên chờ nửa năm tới để đầu tư?”.

Trả lời câu hỏi này, ông Đinh Thế Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Hải Phát Land cho rằng, quan điểm của một đơn vị trong ngành bất động sản, theo ông mua ở thời điểm nào thì bản thân nhà đầu tư phải xác định nhu cầu của mình: Trung hạn, ngắn hạn, dài hạn cũng như nhu cầu để ở hay để kinh doanh.

“Như anh Đính đã chia sẻ bất động sản trung bình sẽ tăng 5,7% trong 1 năm và các dự án ở vị trí đắc địa có thể tăng cao hơn chứ không có chuyện chu kỳ đầu năm tăng, cuối năm giảm nên nhà đầu tư không nên chờ nửa năm sẽ xuống giá mà quan trọng nhất vẫn là nhu cầu của chính nhà đầu tư.

Trong thời điểm này, tôi cho rằng đầu tư rất phù hợp bởi trong giai đoạn khó khăn thì các chủ đầu tư và nhà môi giới BĐS đều đưa rất nhiều ưu đãi”, ông Quỳnh khuyến nghị.

(Theo Bizlive)