Sau thời gian dài "sốt nóng", phân khúc đất nền đã và đang hạ nhiệt tại các thị trường phía Bắc. Tuy nhiên, diễn biến có phần ngược lại ở các thị trường trọng điểm phía Nam.
Giá đất hai thị trường khác biệt
Nếu trong quý I năm nay, giá đất nền tại một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc, đặc biệt ở ngoại thành Hà Nội, tăng mạnh, có nơi tăng 2 - 2,5 lần so với thời điểm cuối năm 2020 thì tới nay đã trầm lắng.
Theo ghi nhận của Dân trí tại một số nơi như khu vực Mê Linh, Hà Nội, sau khi tăng giá gấp đôi thì nay giá đất cũng đã chững lại. Xuất hiện tin đồn "sốt" đất mới đây song thực tế thì giao dịch vô cùng trầm lắng, giá cũng bị ghìm lại, không "vống" lên như thời điểm sau Tết.
Giá đất nền phân lô tại các khu vực như Kim Chung, Vân Canh (huyện Hoài Đức), Hòa Lạc trước đây rầm rộ thì hiện giá rao bán cũng đã giảm. Dù thế, thị trường vẫn vắng khách mua. Đa số vẫn chỉ là những người đến tìm hiểu thị trường.
Trao đổi với Dân trí, một doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất tại Hòa Lạc cho biết khi ghi nhận sự trầm lắng của thị trường, họ đã phải tính toán lên phương án lùi thời điểm "bung" hàng.
Còn theo báo cáo thị trường quý II vừa công bố của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm phân khúc đất nền tại nhiều tỉnh thành phía Bắc đã có dấu hiệu sụt giảm cùng sự hạ nhiệt của cơn sốt đất. Nhu cầu tìm kiếm loại hình này trên nhiều tỉnh thành miền Bắc giảm từ 2% đến 38% so với quý I.
Cụ thể, tại Hà Nội, đất nền là phân khúc có lượt quan tâm giảm mạnh nhất, gần 9% so với quý trước. Trong khi đó, tại các tỉnh/thành lân cận cách Hà Nội trong bán kính 50km có mức độ tìm mua đất nền giảm mạnh, nhất là Bắc Ninh và Bắc Giang với mức giảm từ 35% - 38%. Đây là hai khu vực xảy ra sốt đất với lượt quan tâm đạt đỉnh trong quý 1. Các tỉnh/thành còn lại như Thái Nguyên giảm 6%, Hưng Yên giảm 4%, Ba Vì, Quốc Oai (Hà Nội) giảm lần lượt 2% và 17%.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cho biết, chỉ số quan tâm thông tin quy hoạch giảm 50% trong quý vừa qua, lượng tìm kiếm thông tin quy hoạch từ 100 điểm vào tháng 4 hạ xuống chỉ còn 49 điểm trong tháng 6. Trong "cơn sốt" 3 tháng đầu năm, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, đến nửa cuối tháng 4, thị trường bắt đầu hạ nhiệt và nhu cầu giảm. Sang tháng 5, thị trường gặp khó do dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, khiến dòng tiền và sự quan tâm của thị trường có sự dịch chuyển. Đây là xu hướng diễn ra tất yếu sau giai đoạn "sốt nóng" của đất".
Tuy nhiên theo đơn vị nghiên cứu thị trường này, xu hướng đối với đất nền lại diễn ra ngược lại đang diễn ra tại những điểm nóng bất động sản ở khu vực phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong quý II năm nay, đất nền là phân khúc chiếm "thế thượng phong" khi nhu cầu tìm kiếm phân khúc này tăng cao.
Diễn biến thị trường phía Nam ra sao?
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, tổng lượng tin đăng rao bán đất nền tại các tỉnh phía Nam tăng đến 35% trong khi nhu cầu tìm mua phân khúc này cũng tăng hơn 11% so với quý trước đó. Đất thổ cư là sản phẩm có nhu cầu tìm mua cao nhất thị trường, tăng hơn 12%.
Còn Bình Dương và Bình Phước là hai tỉnh ghi nhận mức độ quan tâm tìm mua đất nền tăng cao nhất trong quý vừa qua, lượt tìm kiếm nhà đất tại hai tỉnh này tăng lần lượt 23-30%. Long An, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cũng ghi nhận mức tăng lần lượt từ 8-12% so với quý trước.
Cũng theo nghiên cứu, đất nền vẫn là phân khúc ghi nhận sự quan tâm và giá bán hấp dẫn trong các kênh đầu tư. Ở các tỉnh thành trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, giá đất nền đang vào khoảng 1,2-1,8 tỷ đồng/nền trong khi căn hộ tiệm cận mức 1,7-2,2 tỷ đồng/căn. Chính vì ưu thế bảo toàn vốn, thanh khoản và giá mềm, đất nền vẫn đang là kênh được ưa chuộng tại thị trường miền Nam.
Lý giải cho xu hướng khác nhau giữa hai thị trường Bắc và Nam, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho biết, thị trường đất nền phía Bắc chỉ hút người mua mạnh vào thời điểm sốt đất khi mà nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn đầu tư các khu vực có tin nóng về quy hoạch hạ tầng. Ngược lại tại miền Nam, thị trường đất nền hình thành từ rất lâu và không xảy ra tình trạng nhu cầu lên cao đột ngột và giảm xuống chốt lời như phía Bắc vừa qua.
Ngoài ra, giá bán sơ cấp của các loại hình bất động sản tại trung tâm TPHCM cũng như các khu vực liền kề tăng và thiết lập mức giá mới, cùng với sự khan hiếm và suy giảm về tỷ suất lợi nhuận, dòng tiền đầu tư sẽ ưu tiên nhóm sản phẩm có khoảng giá đầu tư vừa túi tiền, tiềm năng tăng giá cao trong tương lai và đất nền tại các tỉnh là lựa chọn lý tưởng ở hiện tại.