Bộ Xây dựng vừa có đề xuất bỏ điều kiện về cư trú, điều kiện về thu nhập được nâng cao hơn so với hiện hành… với người mua nhà ở xã hội. Theo đó, nhiều người dân sẽ dễ dàng làm hồ sơ và đăng ký mua nhà ở loại này.
Chị Nguyễn Minh Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi sinh sống và làm việc ở Hà Nội được 7 năm nhưng chưa mua được nhà, chỉ đăng ký tạm trú. Khi đi xác nhận làm hồ sơ mua nhà xã hội rất phức tạp, tốn nhiều công sức và thời gian xác nhận ở chính quyền. Nhiều gia đình cũng như tôi thấy thủ tục phức tạp quá nên bỏ cuộc”.
Nhà ở xã hội sẽ được gỡ vướng nhiều điều kiện (ảnh: Như Ý).
Anh Trí Trung (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, thu nhập của anh trên 30 triệu đồng/tháng thuộc diện phải đóng thuế dù đã giảm trừ gia cảnh cho 2 con. Thế nhưng, mức thu nhập này chỉ đủ chi tiêu cho cả gia đình (do vợ anh không có việc làm) còn bản thân anh không đủ điều kiện theo tiêu chí hiện hành (thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân).
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do bộ này chủ trì soạn thảo đã được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp 6 sắp tới. Dự thảo luật có 8 nhóm chính sách, trong đó có nhóm chính sách quan trọng về nhà ở xã hội.
Về các chính sách nhà ở xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự thảo luật đã sửa đổi nhiều nội dung. Cụ thể, dự thảo luật bổ sung chính sách nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp (gồm nhà ở xã hội và nhà lưu trú), chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang…
Về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, dự thảo luật sửa đổi theo hướng giảm bớt các thủ tục trong việc xác định đối tượng mua nhà ở xã hội.
"Dự thảo trước đây có 3 tiêu chí, gồm cư trú, thu nhập và nhà ở. Dự thảo lần này bỏ tiêu chí về cư trú, đã là công dân Việt Nam thì chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở là được quyền mua nhà ở xã hội", Thứ trưởng Bộ Xây dựng giải thích.
Điều kiện về thu nhập cũng được xem xét theo hướng mở rộng, nâng lên ở mức thu nhập cao hơn so với hiện hành. "Về điều kiện nhà ở, trước đây nếu có nhà ở nhưng dưới 10 m2 thì mới là đối tượng mua nhà ở xã hội, nay có thể xem xét tăng lên 15 m2/người, giống một số nước trong khu vực", ông Sinh cho hay.
Dự thảo luật cũng đề cập các chính sách cải cách thủ tục hành chính, nhất là về đầu tư, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản cho biết, nới lỏng một số điều kiện cho người mua nhà ở xã hội sẽ tạo thuận lợi hơn cho người có nhu cầu. Tuy nhiên, cần xem xét việc người mua nhà ở xã hội làm ở đâu, thu nhập thế nào thì mới được mua để thuận lợi trong việc trả nợ.
Ngoài ra, khó khăn về nhà ở xã hội lâu nay vẫn là thiếu quỹ đất. Vì vậy, nhà nước cần sớm tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp tham gia đấu giá làm nhà ở xã hội. Khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, sẽ gia tăng cơ hội cho người thu nhập thấp mua được nhà.
Theo báo cáo Bộ Xây dựng, hiện cả nước đã hoàn thành xây dựng 181 dự án nhà ở xã hội, với khoảng hơn 94.000 căn hộ, tổng diện tích hơn 4,8 triệu m2. Bên cạnh đó, các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000 m2.