Kỳ vọng mới với hệ sinh thái bất động sản

Hải Phát Land | 26/04/2018

Với các doanh nghiệp, việc xây dựng được một hệ sinh thái sản phẩm hoặc hệ sinh thái cho quá trình hoạt động gắn với sản phẩm có vai trò rất quan trọng. Điều này cũng phần nào cho thấy chiến lược, định hướng phát triển một cách bền vững mà các đơn vị này hướng tới.

Dự án The Phoenix Garden do Hải Phát Land làm chủ đầu tư

Từ bối cảnh thị trường

Hệ sinh thái trong bất động sản đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Điển hình như tại Nhật Bản, các công ty xây dựng có tuổi đời hàng trăm năm, sau khi tích lũy được đủ nhiều kinh nghiệm bằng việc hợp tác với các đối tác phát triển dự án khác trong và ngoài nước, cũng đã xây dựng cho chính mình các công ty sinh thái với đầy đủ các chức năng để phát triển bất động sản.

Còn ở Việt Nam, việc doanh nghiệp phát triển theo mô hình hệ sinh thái vẫn đang là câu chuyện khá mới mẻ.

Chia sẻ với phóng viên Đầu tư Bất động sản, đại diện các doanh nghiệp đang có kế hoạch phát triển mô hình này cho hay, lý do của việc cần phát triển hệ sinh thái chính bởi những đòi hỏi cấp bách từ thị trường.

Bối cảnh thị trường hiện nay có sự cạnh tranh rất mạnh giữa các chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án; giữa các dự án cùng phân khúc (về vị trí, mô hình phát triển, mức giá, chính sách bán hàng, sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng…); giữa các đơn vị vận hành, khai thác; giữa các đơn vị phân phối…

Mặt khác, thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam được coi là đang dần đi vào thực chất, theo hướng có sự hội nhập ngày càng sâu, rộng với thị trường khu vực và thế giới. Đã có không ít chủ đầu tư mạnh dạn đem chuông đi đánh xứ người và nhà đầu tư nước ngoài tìm đến kinh doanh tại thị trường bất động sản Việt Nam.

Cộng với các chính sách về bất động sản, đặc biệt là chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà tạo ra cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng đối tượng khách hàng. Một thị trường có sự tham gia mạnh mẽ của các nhân tố ngoại (cả các đơn vị phân phối và khách hàng, nhà đầu tư) nên sự đòi hỏi cũng cao hơn giai đoạn trước.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó chủ tịch HĐQT Sàn giao dịch Hải Phát Land chia sẻ: “Bối cảnh thị trường đã có nhiều thay đổi. Các doanh nghiệp sẽ ngày càng chịu sức ép lớn hơn từ phía khách hàng. Khi quyền lực quyết định diện mạo thị trường đã chuyển từ người bán sang người mua, thì phải xây dựng được một hệ sinh thái để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của khách hàng, thị trường là tối quan trọng”.

Có gì ở hệ sinh thái?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, CENLAND đang là đơn vị có định hướng phát triển theo mô hình xây dựng đa dạng các công ty có liên quan. Mặc dù chưa có công bố chính thức, nhưng theo nguồn tin của phóng viên, thời gian tới đây, CENLAND sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thiện hơn nữa hệ thống công ty bao gồm: Thẩm định bất động sản; Nghiên cứu thị trường; Cung cấp vật liệu hoàn thiện; Thiết kế và thi công nội thất; Phân phối tiếp thị, truyền thông bất động sản… Mục tiêu của đơn vị này là bán bất động sản chuyện nghiệp, mang lại hiệu quả kinh doanh cho chủ đầu tư, giúp khách hàng được sở hữu bất động sản thuận tiện, nhanh chóng, an toàn.

Nhận định về xu hướng này, ông Lê Tuấn Bình, Quản lý Đầu tư, Savills Hà Nội cho biết, việc phát triển một dự án bất động sản là một quá trình gồm nhiều bước, nhiều giai đoạn và tiềm ẩn không ít rủi ro. Việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng tới xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh khi cân nhắc phát triển dự án cho thấy các doanh nghiệp đã ý thức được tính độc lập, đồng bộ cũng như hiệu quả của dự án xét trên nhiều mặt như: chi phí, chất lượng sản phẩm hay tiến độ…

“Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy quá trình tích lũy, học hỏi kinh nghiệm của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua (khoảng 10 năm kể từ thời điểm thị trường bất động sản bắt đầu bùng nổ gắn với “quy luật chu kỳ”) với những bài học về phát triển bất động sản khiến cho doanh nghiệp trưởng thành hơn và có những chiến lược táo bạo hơn”, ông Bình nhận định.

Điều khiến nhiều người tò mò hiện nay là có gì ở một hệ sinh thái bất động sản?

Với CENLAND, đơn vị này đang đi theo hướng xây dựng hệ thống công ty khá đa dạng, trong đó mỗi lĩnh vực, mảng hoạt động trong hệ thống công ty này có khả năng hỗ trợ, giúp đỡ và tương tác lẫn nhau, như hệ rừng có từng tầng lớp cây, cây nọ tương trợ cây kia, cây già chết đi nuôi dưỡng cho lớp cây con mọc lên…

Còn với Hải Phát Land, ngay sau khi doanh nghiệp này công bố kế hoạch xây dựng hệ sinh thái bất động sản, trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, ông Huy cho biết, hệ sinh thái Hải Phát Land đang xây dựng bao gồm 15 lĩnh vực. Đó là, đầu tư và phát triển các dự án bất động sản; phân phối, thuê và cho thuê các bất động sản trong nước, quốc tế; marketing truyền thông các dự án bất động sản; dịch vụ quản lý, vận hành và khai thác tòa nhà, khu đô thị, trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và resort; đầu tư và phát triển công nghệ bất động sản; đào tạo & huấn luyện phát triển con người; tư vấn phát triển các dự án bất động sản; tư vấn pháp lý các dự án bất động sản; dịch vụ hoàn mỹ, duy tu, bảo trì kỹ thuật; cung cấp cây xanh, tiểu cảnh, khuôn viên; dịch vụ security, lễ tân, PG, PB; thiết kế và thi công nội thất; dịch vụ tổ chức sự kiện và giải trí; tư vấn giải pháp và cung cấp nguồn nhân lực; dịch vụ nghiên cứu và dự báo xu hướng thị trường.

Ngoài ra, Hải Phát Land còn đang tiếp tục mở rộng quy mô, mô hình với hàng chục văn phòng, chi nhánh tại Hà Nội và khắp các tỉnh, thành phố. Cùng với đó là việc thành lập một hệ thống công ty thành viên, trong đó mỗi công ty là một mắt xích, bánh răng quan trọng trong hệ sinh thái.

Từ đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà, tư vấn luật, yriển khai ứng dụng công nghệ bất động sản, học viện đào tạo, đến dịch vụ tư vấn, truyền thông marketing… Điều đáng quan tâm, ngoài thị trường trong nước, Công ty còn hướng tới thị trường bất động sản quốc tế như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu.

Phát triển một dự án thành công đòi hỏi rất nhiều công đoạn

Không khó để nhận thấy đây là một kế hoạch đầy tham vọng và nếu thực hiện thành công, cả CENLAND  và Hải Phát Land sẽ là đơn vị sở hữu được một hệ sinh thái “khỏe mạnh” đa chức năng, đa dịch vụ.

Muốn thành công, phải nỗ lực bền bỉ

Mặc dù đều có những đánh giá tích cực về mô hình này, nhưng cả chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đều nhìn nhận, để có thể phát triển thành công, có không ít những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Theo ông Lê Tuấn Bình, việc tổ chức phát triển hoàn chỉnh các bước cho một dự án bất động sản cần một nguồn lực rất lớn và kinh nghiệm đủ nhiều. Hiện tại, trên thị trường hầu như chưa có một chủ đầu tư nào có thể làm hoàn thiện các bước: có chủ đầu tư có đầy đủ điều kiện để phát triển từ các giai đoạn đầu tư, thiết kế, xây dựng nhưng đến khâu bán hàng, thì không đủ năng lực; hay có những chủ đầu tư có ý tưởng, mạnh về tài chính, bao tiêu đầu ra sản phẩm, nhưng để triển khai thì còn hạn chế… Tất cả những yếu tố đó đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định phát triển dự án theo định hướng này.

Ông Bình cũng khuyến cáo, để có thể xây dựng và phát triển thành công mô hình này, doanh nghiệp cần hiểu rõ thế mạnh của mình là gì và việc tập hợp nguồn lực cho từng giai đoạn của dự án ra sao.

Doanh nghiệp cũng cần ý thức được những khó khăn trong việc phối hợp đồng bộ các giai đoạn, các bước triển khai dự án. Ngoài ra, cần quan tâm đến khâu tính toán được rủi ro và lợi ích: việc phát triển dự án theo hướng hệ sinh thái hoàn thiện giúp doanh nghiệp chủ động được tài chính (chi phí & doanh thu), tiến độ, chất lượng công trình…

Tuy nhiên, không phải không có những rủi ro về việc tổ chức nguồn lực, đồng bộ dự án hay năng lực quản lý… Cùng với đó là quyết tâm của doanh nghiệp: như đã nói ở trên thì việc phát triển toàn bộ dự án đòi hỏi nguồn lực rất lớn, chính vì thế chỉ khi nào doanh nghiệp xác định đây là định hướng chiến lược và cốt lõi của doanh nghiệp mình để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, chất lượng thì khi đó mới nên thực hiện.

Nâng cao trình độ của môi giới cũng là đòi hỏi cấp bách của việc phát triển hệ sinh thái 

Cũng chia sẻ về những thách thức và sự chuẩn bị để vượt qua, ông Huy cho biết: "Chúng tôi sẽ tổng hợp tất cả các nguồn lực bên trong lẫn bên ngoài để phát triển một cách toàn diện tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh doanh dịch vụ nhằm tạo ra một vòng tròn khép kín về sản phẩm để đạt được các mục tiêu về 4 khía cạnh:

Mục tiêu về tài chính và tăng trưởng; mục tiêu về thị phần và khách hàng; mục tiêu về quy trình hoạt động nội bộ; mục tiêu về nghiên cứu và xu hướng phát triển. Ở từng giai đoạn, chúng tôi sẽ có những mục tiêu cụ thể khác nhau. Phấn đấu mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái trong năm 2018 và phát triển ổn định một hệ sinh thái đầy đủ trong 3 năm tiếp theo".

Chặng đường và sự thành công với mô hình sinh thái vẫn còn đang ở thì tương lai. Tuy nhiên, nhìn vào sự hào hứng của thị trường, của bản thân các doanh nghiệp và những kỳ vọng vào mô hình này, rất có thể, công chúng sắp được những đổi thay không nhỏ trong cung cách phục vụ của các chủ dự án với người tiêu dùng.

Theo Báo Đầu tư bất động sản