Dù đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm về quỹ đất song Hà Nội vẫn được đánh giá là vùng đất dễ kiếm tìm nguồn lợi nhuận lớn, an toàn. Bất động sản Hà Nội vẫn giàu tiềm năng? Hà Nội vốn là thị trường bất động sản truyền thống. Những năm trở lại đây, Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm quỹ đất, lượng cung nhà ở tung ra thị trường khá dồi dào. Theo ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Hà Nội quý I năm 2019 có nhiều biến động. Cụ thể, đất nền một số khu vực ven trung tâm tăng giá mạnh, trong khi giá căn hộ lại đi ngang. Báo cáo về chỉ số giá bất động sản Việt Nam trong tháng 5/2019 của Savills cho biết, tại Hà Nội, tổng số căn đã bán tăng 70% theo năm nhưng giảm -14% theo quý. Tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt 29%, giảm -3 điểm % theo quý nhưng tăng 4 điểm % theo năm. [caption id="attachment_5888" align="aligncenter" width="800"] Hà Nội vẫn là thị trường giàu tiềm năng.[/caption] Dù Hà Nội là thị trường truyền thống, mức độ co dãn quỹ đất đã thu hẹp. Song đây vẫn là thị trường có tính rủi ro thấp trong đầu tư, lợi nhuận ổn định. Lý giải của giới đầu tư cho rằng, dân số Hà Nội đang tăng mạnh, tạo ra lực cầu về nhà ở lớn. Thế nên, bất động sản vẫn là kênh bỏ vốn đầy hấp dẫn cho các nhà đầu tư vì khả năng thanh khoản tốt. Chưa kể, theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tính thanh khoản tại thị trường Hà Nội trong quý I đạt 92%. Điều này cho thấy, tình hình giao dịch trên thị trường bất động sản Hà Nội vẫn khả quan, sức mua vẫn rất lớn. Khu vực nào đang nóng Khi quỹ đất nội đô trở nên chật chội thì xu hướng dịch chuyển ra vùng ngoại đô ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như thông tin quy hoạch lên quận khiến một số huyện của Hà Nội đang trở thành điểm nhắm của các nhà đầu tư, mà điển hình như Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Sóc Sơn, Hoài Đức… Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, việc hoàn thiện hạ tầng tại các khu vực như Gia Lâm, Long Biên và Đông Anh sẽ tạo đà cho sự phát triển của khu vực này. Theo ông Đính, trong các khu vực trên, Đông Anh có nhiều lợi thế hơn cả và sẽ là một trong những khu vực trọng tâm của thị trường bất động sản tương lai với một loạt các dự án lớn đang được triển khai. Ông Đính phân tích, trục Nhật Tân – Nội Bài đang thu hút nhiều đối tác nước ngoài, trong khi đó các tên tuổi bất động sản lớn cũng tham gia vào đây như BRG, Vingroup,… Trong khi đó, khu vực Đông Anh lại chuẩn bị xây dựng bệnh viện quốc tế nên thời gian tới, Đông Anh sẽ là một khu vực rất giàu tiềm năng. Trước câu hỏi nhận định về tiềm năng của Gia Lâm và Hoài Đức, ông Đính cho rằng, khu vực phía Tây Hà Nội sẽ có sự chuyển động chậm hơn so với khu vực phía Đông. Lý giải về điều này, vị lãnh đạo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, tại Hoài Đức, cơ sở hạ tầng không có sự cải thiện lớn trong khi đó, tại Gia Lâm, các tuyến đường và đặc biệt dự án Vinhomes đổ bộ đã kéo theo sức hút từ các nhà đầu tư. Bà Đỗ Thu Hằng - Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội cũng đánh giá cao triển vọng thị trường tại các khu vực Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Bà Hằng cũng cho rằng, tại các thị trường, phân khúc thấp tầng sẽ hút dòng vốn của các nhà đầu tư. Theo GS. Đặng Hùng Võ, phía Đông Hà Nội vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển nếu nhìn theo góc độ phong thủy. Đây là khu vực vừa có núi, vừa có sông nên sẽ không bị ngập lụt và về mặt phong thủy sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn phía Tây. Còn theo báo cáo mới đây nhất của Savills, dự kiến trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có khoảng 44.000 căn hộ từ 34 dự án hiện tại. Sự đổ bộ của các dự án sẽ khiến thị trường Hà Nội sôi động hơn. Trong đó, huyện Gia Lâm và quận Từ Liêm với cơ sở hạ tầng phát triển nhanh sẽ chứng kiến sự cạnh tranh mạnh. Đánh giá từ giới đầu tư, theo quy luật tự nhiên, cứ có quy hoạch đường thì đất sẽ có sự gia tăng, trở về đúng giá trị thực của nó. Thế nên, khu vực nào có sự biến động mạnh về hạ tầng sẽ trở thành điểm săn lùng tìm kiếm các sản phẩm bất động sản giàu tính sinh lời của các nhà đầu tư.
Theo Reatimes