Với sự tác động mạnh mẽ của hạ tầng, tại khu Nam TPHCM ngoài việc tăng nguồn cung nhà ở thì phân khúc đất nền cũng tăng mạnh với mức giá cạnh tranh, tạo nên một bức tranh sinh động cho thị trường. Để có thể tránh được tình trạng “nén đông đặc” trong diện tích 670km2 tại một số quận trung tâm như hiện nay, TPHCM đang thực hiện chiến lược quy hoạch vùng đô thị mở rộng, xây dựng những khu đô thị vệ tinh về các hướng, như huyện Nhơn Trạch (430km2) của Đồng Nai, Cần Giuộc (426km2) của Long An hay Dĩ An (350km2) của Bình Dương. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định TPHCM là đô thị trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng, kết nối 4 cực phát triển và 15 đô thị vệ tinh. Trong đó, 4 cực phát triển gồm Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Cần Giuộc (Long An). Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất, TPHCM sẽ chú trọng đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh tại 4 hướng. Cụ thể, phía Đông có phường Long Trường, quận 9 (giáp với trục cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây), diện tích khoảng 280ha. Phía Tây: khu vực giáp Quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (200ha), trục Nguyễn Văn Linh. Phía Nam: khu A đô thị mới Nam Sài Gòn, trục đường Nguyễn Hữu Thọ - Lê Văn Lương (110ha); phía Bắc: thuộc khu Tây - Bắc (500ha), hướng Quốc lộ 22. Bên cạnh đó, thành phố đang xây dựng giao thông kết nối giữa các khu dân cư và các tuyến metro để tiếp cận nhanh với giao thông công cộng; chú trọng đầu tư các đô thị vệ tinh theo hướng đồng bộ cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi để hạn chế di chuyển người dân vào khu trung tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy chương trình giãn dân ra các khu đô thị mới. Ngoài ra, TPHCM sẽ tiếp tục chọn những nhà đầu tư có năng lực để đầu tư những dự án lớn, các khu đô thị mới; thường xuyên kiểm tra tiến độ đầu tư để xử lý các dự án chậm triển khai. Điển hình cho chiến lược này, theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trước mắt nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam TPHCM đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư từ nay đến năm 2020 như: dự án cầu Thủ Thiêm 3; cầu Thủ Thiêm 4; dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng). Dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng); dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4; dự án đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỷ đồng; dự án cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng vừa được khởi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018… Đặc biệt, UBND TP.HCM đã giao một số đơn vị liên quan nhanh chóng xúc tiến phương án đầu tư dự án hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, với số vốn gần 5.000 tỷ đồng. Không dừng ở đó, khu Nam cũng có sự phát triển đồng bộ nhiều tuyến đường để kết nối thuận tiện với khu trung tâm. Đường Huỳnh Tấn Phát được mở rộng lên 30m kết nối với trục đường chính Nguyễn Văn Linh. Cầu Bình Tiên được xây dựng để mở đường cho việc hình thành tuyến đường Vành đai trong kết nối toàn bộ khu vực Nam Sài Gòn với các khu vực Tây và Tây Nam thành phố. Ngoài việc ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc, trước mắt thành phố cũng lên phương án mở rộng lộ giới đường Lê Văn Lương lên hơn 40m - tuyến đường huyết mạch kết nối khu Nam TP.HCM đi qua khu đô thị cảng Hiệp Phước và kết nối trực tiếp với huyện Đức Hoà, Cần Giuộc của tỉnh Long An. Về phần mình, UBND tỉnh Long An cũng đang phối hợp cùng TPHCM xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 22, nâng cấp và mở rộng Tỉnh lộ 824, Tỉnh lộ 9... đi qua các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc. Tuyến đường Vành đai 4 đoạn Bến Lức- Hiệp Phước đang chuẩn bị khởi công xây dựng, với chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8km, đi qua các địa phương gồm tỉnh Long An dài 32km (huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc), TP.HCM dài 3,8km đi qua huyện Nhà Bè. Mới đây nhất, UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa việc xây dựng một làm đường song hành với quốc lộ 50 bổ sung vào quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Theo quy hoạch, điểm đầu của tuyến đường mới sẽ kết nối với dự án nối đường Phạm Hùng hiện hữu với cầu Kênh Cây Khô (đoạn tuyến dài khoảng 800m), tại xã Phước Lộc - huyện Nhà Bè (TP.HCM), điểm cuối sẽ kết nối với Quốc lộ 50 tại lý trình Km12+600 (ngã tư Tân Kim, xã Tân Kim - huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Tuyến đường sẽ có tổng chiều dài tuyến khoảng 8,6km, khi hoàn thành khơi dậy tiềm năng của vùng hạ Long An gồm các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành. [caption id="attachment_5233" align="aligncenter" width="640"] Nhiều dự án cầu đường quanh trục Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương (Nhà Bè) đang được gấp rút đầu tư, tạo mật độ lưu thông cao cho khu đô thị cảng Hiệp Phước.[/caption] Song song đó, tuyến Metro số 4 với tổng vốn đầu tư 97.000 tỷ đồng (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước. Nắm bắt thời cơ này, việc doanh nghiệp địa ốc dịch chuyển ra các khu vực lân cận phát triển dự án, nhằm thoát khỏi trung tâm đã quá chật chội để tìm thị trường mới là lẽ đương nhiên. Các đô thị vệ tinh lân cận TPHCM sẽ là thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng với nhu cầu nhà ở người dân tăng cao, mức thu nhập cũng cải thiện hơn rất nhiều. Đây cũng là giải pháp hợp lý khi kết nối hạ tầng giao thông TPHCM với các tỉnh, thành lân cận đang được hoàn thiện rõ rệt. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), cho rằng việc doanh nghiệp bất động sản hướng ra các tỉnh vùng ven phát triển là theo quy luật tất yếu của thị trường, khi tại vùng lõi TPHCM đã chật chội, tạo ra sự phát triển bền vững và xoay trục thị trường, giúp người tiêu dùng có đa dạng lựa chọn hơn. "Những dự án ở các tỉnh giáp TPHCM là sự lựa chọn tối ưu cho số đông khách hàng, bởi quỹ đất rộng, mặt bằng giá đất, thuế và giá dịch vụ thấp hơn. Đồng thời, hạ tầng giao thông kết nối ổn định còn giúp khoảng cách địa lý giữa các tỉnh gần lại", ông Châu nói. [caption id="attachment_5234" align="aligncenter" width="640"] Hạ tầng giao thông phát triển, kéo theo hàng loạt dự án đất nền vùng ven bùng nổ. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, do quỹ đất tại khu Nam không cao, giá lại đắt nên việc nhà đầu tư dịch chuyển đến vùng giáp ranh là đương nhiên. Từ đó, sẽ giúp hình thành nên một số khu đô thị vệ tinh mở rộng trong tương lai không xa.[/caption] Theo DKRA Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tạo sóng, đưa khu Nam trở thành khu vực thu hút mạnh mẽ chủ đầu tư và người mua phải kể đến tác động của các thông tin hạ tầng giao thông sắp được triển khai tại khu vực này. Từ đó, khu vực này thời gian qua, ngoài việc tăng nguồn cung nhà ở thì phân khúc đất nền cũng tăng mạnh với mức giá cạnh tranh, tạo nên một bức tranh sinh động cho thị trường thời gian tới. Đặc biệt, chính từ "cú hích" hạ tầng giao thông kết nối thông suốt đến các khu đô thị thuộc quy hoạch Vùng đô thị mở rộng về hướng Nam, thị trường BĐS một số khu vực giáp ranh giữa Long An và TPHCM đang trở nên sốt nóng so với cách đây 2 năm. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, hầu hết các dự án nhà ở tại khu Nam được quy hoạch đồng bộ, hiện đại nên cùng với các dự án hạ tầng giao thông, đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đất này rất lớn trong thời gian qua. Hiện bên cạnh những dự án đã được triển khai, có rất nhiều nhà đầu tư cũng xin chủ trương đầu tư vào khu vực này với kỳ vọng đón đầu những bức phá từ hạ tầng giao thông, cũng như định hướng phát triển ở khu vực này trong thời gian sắp tới. Dù đánh giá cao tiềm năng phân khúc đất nền khu Nam nhưng các chuyên gia cũng lưu ý nhà đầu tư cần xem xét kỹ các yếu tố pháp lý. Đặc biệt, việc chọn chủ đầu tư uy tín có ý nghĩa quyết định, tránh những rủi ro về tiến độ cũng như những cam kết trong quá trình phát triển dự án.
Theo Nhịp sống kinh tế